Disneyland 1972 Love the old s

Những lý do khiến bé khó ngủ 

Ngủ ngày ít, bố mẹ quen ru dỗ hay ngạt mũi, khó thở... đều có thể khiến trẻ không ngon giấc. 

Dưới đây là những lý do phổ biến khiến trẻ không ngủ ngon vào ban đêm và các gợi ý giúp bạn khắc phục, theo Webmd:

Bé còn quá nhỏ

Trẻ vừa sinh ra đã bắt đầu ngủ thẳng đêm chỉ là huyền thoại và rất hiếm. Trong 1-2 tháng đầu, trẻ sơ sinh ngủ khoảng 12-18 tiếng một ngày. Chu kỳ ngủ - thức của trẻ cần khoảng 6 tuần mới bắt đầu vào nếp. Trong khoảng 3-6 tháng, chu kỳ này dần tuân theo quy luật. Từ 3 tháng đến 1 tuổi, trẻ cần ngủ khoảng 14-15 tiếng mỗi ngày (bao gồm cả giấc ngủ ngắn ban ngày). Khoảng 9 tháng tuổi, 70-80% trẻ sẽ ngủ thẳng đêm - nghĩa là ngủ liền 5-6 tiếng. 


Nếu bố mẹ ru dỗ con ngủ, bé sẽ không học cách tự ngủ. Bé có thể khóc đòi thứ mình muốn, chẳng hạn sự chú ý của bố mẹ, rồi mới ngủ lại. Đặt bé xuống giường khi con buồn ngủ nhưng chưa ngủ hẳn, bé sẽ học cách tự ngủ, thậm chí cả lúc thức giấc giữa đêm.
Bố mẹ tạo thói quen phải dỗ con mới ngủ

Bé quá mệt

Trẻ nhỏ và trẻ mầm non có thể cáu kỉnh nếu không được ngủ đủ, và điều đó khiến một số bé càng khó đi vào giấc ngủ hơn. Các bé này cần ngủ 11-14 giờ mỗi ngày, bao gồm ngủ đêm và những giấc ngủ ngắn giữa ngày. Ở độ tuổi này, việc cho trẻ đi ngủ, thức dậy và ngủ giữa ngày đúng giờ rất quan trọng, cũng như ăn và chơi vào lịch cố định. 

Lo sợ chia tách

Nỗi lo sợ chia tách có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ. Trò chuyện, hát, đu đưa hay cho ăn thêm có thể tạo thói quen xấu cho con, khiến bé hay thức dậy giữa đêm. Khoảng 6 tháng tuổi, bạn có thể khuyến khích con tự ngủ lại, miễn là bé không ốm, mệt. Mẹ có thể thủ thỉ và nhẹ nhàng xoa lưng nhưng đừng bế bé lên hay cho ăn nữa. Thêm chiếc đèn ngủ có thể trấn an con nếu bé sợ bóng tối.

Thiếu các thói quen trước giờ ngủ

Làm những việc giống nhau mỗi đêm trước giờ ngủ giúp trẻ nhận ra thay đổi giữa việc thức và ngủ. Mẹ có thể tạo các thói quen phù hợp với lứa tuổi, giúp con thư giãn, như tắm, đọc truyện, ăn nhẹ sau đó là tắt đèn. Các chuyên gia cho rằng bạn nên bắt đầu tạo thói quen này từ lúc bé 4 tháng tuổi.

Thức khuya

Một số trẻ không chịu đi ngủ đúng giờ hoặc cố tình tạo lý do để ngủ muộn hơn. Chúng có thể đòi mẹ đọc thêm truyện, muốn uống sữa hay đi vệ sinh. Đưa con vào phòng, nghiêm khắc nhưng không làm trẻ sợ. Thời gian bạn nán lại bên con trước giờ ngủ nên ngắn dần. Dành cho trẻ một vài lựa chọn, chẳng hạn thích hoạt động nào trước lúc ngủ (mẹ đọc truyện cho nghe hay xoa lưng...), nhưng không được chọn giờ ngủ.

Không ngủ đủ vào ban ngày

Nghe có vẻ lạ nhưng nếu trẻ không ngủ ngắn đủ vào ban ngày, chúng sẽ khó ngủ vào đêm. Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần 2-3 giấc ngủ ngắn một ngày. Hầu hết trẻ vẫn cần một giấc ngủ ngắn vào trưa, cho tới khi 5 tuổi. Không nên để trẻ ngủ ngắn sát với giờ ngủ chính, nhưng cũng đừng bỏ qua giấc ngủ ngày của con.

Tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ

Đôi khi trẻ khó ngủ do tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ - khi đường hô hấp bị chặn, thường do amidan và các mô mũi phì đại, gọi là bệnh sùi vòm họng hay viêm V.A. Trẻ bị ngưng thở khi ngủ thường ngáy to, thở dốc và khó ngủ. Cứ 100 trẻ lại có 1 em bị ảnh hưởng bởi tình trạng này và hầu hết phổ biến ở 3-7 tuổi, khi amidan và vòm họng phát triển lớn nhất. Bệnh có thể điều trị bằng phẫu thuật hay sử dụng mặt nạ không khí vào đêm. 

Ngáy ngủ

Khoảng 10% trẻ bị ngủ ngáy. Trẻ có thể ngủ ngáy vì nhiều nguyên do, bao gồm ngưng thở khi ngủ, dị ứng theo mùa, nghẹt vì cảm lạnh hay có vách ngăn ở mũi. Nếu giấc ngủ của con không bị gián đoạn, bạn có thể không cần đưa con đến gặp bác sĩ. Nên đưa con đi khám nếu bé ngủ không ngon vì ngáy hay khó thở.

Gặp ác mộng và nỗi sợ ban đêm

Ác mộng thường vô hại, và thường biến mất khi trẻ đến tuổi teen. Nếu con bạn gặp ác mộng, bé có thể rất sợ hãi và kể lại cho mẹ nghe chuyện đó. Khi bé sợ bóng đêm, con mang nỗi sợ trong lòng nhưng vẫn có thể ngủ, và khi thức dậy, bé không nhớ điều đó. Hãy an ủi con, đảm bảo bé ngủ đủ và có những thói quen nhẹ nhàng trước giờ lên giường. Bạn nên đưa con đi khám nếu những cơn ác mộng tiếp tục đến. 

Mộng du

Trẻ sợ bóng đêm cũng thường mộng du. Khi đó, chúng đi bộ, nói chuyện, ngồi trên giường hay làm các việc khác. Mắt trẻ mở nhưng không biết. Hầu hết trẻ hết mộng du khi vào tuổi teen. Đừng đánh thức trẻ mộng du vì bạn có thể làm bé sợ hãi. Nhẹ nhàng đưa bé lại giường, đảm bảo an toàn cho bé: khóa cửa và đặt thanh chặn cầu thang.

Dị ứng, hen suyễn...

Một số bệnh có thể khiến con khó ngủ ngon. Nghẹt mũi do dị ứng, cảm lạnh và hen suyễn có thể khiến con khó thở. Ở trẻ sơ sinh, đau bụng, trào ngược dạ dày, đau tai hoặc đau răng cũng có thể dẫn đến ngủ kém. Nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh và giúp con có giấc ngủ tốt hơn. 

Các loại thuốc thông dụng

Đôi khi các loại thuốc bé dùng để chữa bệnh lại ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thuốc thông mũi và thuốc kháng histamin dùng trị cảm lạnh hay dị ứng có thể khiến trẻ bồn chồn trong giấc ngủ. Tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng động giảm chú ý thường bao gồm khó ngủ. Nếu thuốc ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, hãy đề nghị bác sĩ thay loại thuốc hoặc liều lượng, thời gian dùng thuốc.

Những cách giúp trẻ ngủ ngon hơn:

Ngậm ti giả hay ôm gấu bông

Đôi khi một vật thân thiết, quen thuộc có thể giúp trẻ yên giấc. Một chiếc ti giả có thể thỏa mãn nhu cầu mút của trẻ và giúp bé nhanh đi vào giấc ngủ, kể cả trẻ được bú sữa mẹ. Đừng cố gắng cai sữa cho con trước một tuổi. Đồ chơi đặc biệt như chiếc chăn ấm (an toàn với trẻ) hay một thú bông có thể làm bé an tâm hơn. Những âm thanh thường nhật (tiếng quạt quay, tiếng đồng hồ tích tắc nho nhỏ...) có thể át đi những âm thanh khác thường đánh thức trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ.

Tạo không gian phòng ngủ thích hợp

Một phòng ngủ thoáng đãng, dễ chịu có thể giúp bé ngủ ngon hơn. Phải đảm bảo là phòng tối (một chiếc đèn ngủ nhỏ cũng tốt) và nhiệt độ vừa phải, không nóng quá hay lạnh quá, người lớn cảm thấy dễ chịu trong phòng khi mặc áo cộc. Có thể cho bé mặc đồ ngủ nhẹ như bộ đồ liền để con thấy thoải mái, dễ chịu. Giữ cho phòng yên tĩnh. Đóng cửa nếu con bạn có thể nghe thấy tiếng TV hay hoạt động từ nơi khác trong nhà.

Biết trẻ ngủ bao lâu là đủ

Bạn thấy con ngủ gục trên bàn khi đang học bài? Một số trẻ quá mệt đến nỗi ngủ gật ở trường học. Trẻ 5-10 tuổi cần ngủ ít nhất 10 tiếng mỗi đêm. Bé nên lên giường trước nửa tiếng ngủ thực sự và có thể dễ dàng thức dậy vào giờ nhất định, để kịp đến trường vào sáng hôm sau.