May mắn hơn Sarah, Jennifer (19 tuổi) và cậu bé Alain (10 tuổi) cũng mắc bệnh viêm màng não mô cầu nhưng được phát hiện sớm hơn, chỉ phải cắt bỏ phần hai chân bị hoại tử.
Nội dung video này được chiếu trước bài nói chuyện về bệnh viêm màng não mô cầu của thạc sĩ Đinh Thạc (Bệnh viện Nhi đồng 1) với Hội quán các bà mẹ ở TP HCM gần đây. Những người mẹ không cầm được nước mắt khi xem.
Bác sĩ Đinh Thạc cho biết, bệnh này có thể xuất hiện ở tất cả độ tuổi nhưng trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên 11-19 tuổi thuộc nhóm dễ nhiễm bệnh nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số bệnh nhân. Nam dễ mắc bệnh hơn nữ với tỷ lệ cao gấp rưỡi.Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có khoảng 350.000 ca mắc bệnh viêm màng não, trong đó khoảng 35.000 trường hợp tử vong (10%). Não mô cầu được phân ra các tuýp A, B, C, Y… Ở Đông Nam Á, bệnh nhân viêm màng não mô cầu chủ yếu nhiễm vi khuẩn tuýp A. Tại Việt Nam, viêm màng não mô từng xuất hiện với dịch viêm màng não do não mô cầu phân nhóm A năm 2003 tại huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Năm 2011-2012, Viện Pasteur TP HCM phân lập 12 ca viêm màng não do não mô cầu nhóm A, một ca nhóm B.
Bệnh thường gặp ở vùng ôn đới và nhiệt đới, dịch thường xảy ra theo chu kỳ khoảng một thập niên, thường vào mùa đông xuân. Mùa bệnh gia tăng khi có sự thay đổi thời tiết, khí hậu, cuối mùa khô, đầu mùa mưa, mùa rét. Bệnh lây truyền từ người sang người do tiếp xúc hoặc do nước bọt, hoặc do những hạt nước bọt li ti bắn vào. Vi khuẩn sau đó phát triển ở vùng hầu họng, chất nhầy vùng mũi họng chứa các thành phần gắn kết với não mô cầu.
Những hoạt động bình thường hàng ngày như hôn, dùng chung đồ dùng, ly tách… đều có thể lây truyền bệnh. Trẻ em đang độ tuổi đi học nếu thức khuya hay ngủ không đủ giấc khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu cũng dễ bị vi khuẩn tấn công. Những nơi sống tập trung đông đúc hoặc nơi sinh sống chật chội thiếu vệ sinh như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, nhà trọ, trại lính dễ lây lan dịch nhất.
Không như bệnh viêm màng não do siêu vi, viêm màng não mô cầu có thể lấy đi sinh mạng của một trẻ nhỏ đang khỏe mạnh chỉ trong một ngày sau những triệu chứng đầu tiên.
Viêm màng não mô cầu khó phát hiện, nhất là trong giai đoạn sớm bởi triệu chứng giống nhiễm siêu vi thông thường. Nhưng bệnh lại có thể gây chết người hoặc gây thương tật chỉ trong một ngày. Những bệnh nhân sống sót khỏi bệnh vẫn phải mang di chứng nặng nề như cắt bỏ chi, ngón tay, ngón chân, sẹo vĩnh viễn, não tổn thương, thính lực giảm, thận tổn thương cũng như những vấn đề tâm lý.
Diễn tiến bệnh nhanh và quái ác, bệnh nhân viêm não mô cầu xâm lấn có rất ít thời gian để được chẩn đoán và điều trị:
- 0-6 giờ: Triệu chứng sớm thường không rõ ràng: sốt, buồn nôn và ói, cáu gắt, ăn không ngon, bỏ ăn, đau đầu, đau họng, chảy mũi...
- 13-15 giờ: Triệu chứng đặc hiệu: ban đỏ, đau cổ và co cứng, sợ ánh sáng...
- 16-22 giờ: Triệu chứng muộn, có thể dẫn tới tử vong: lẫn hay mê sảng, động kinh, mất ý thức.
Để phòng ngừa bệnh, những việc làm đơn giản như đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh môi trường sống thông thoáng sạch sẽ, lau nhà thường xuyên... có hiệu quả rất cao.
Ngay từ những năm 1960, các nhà khoa học đã nghiên cứu được văcxin với các tuýp nhóm A và C. Hiện nay tại Việt Nam đã có một số loại văcxin đơn giá và nhị giá (chủng ngừa cho đồng thời cả 2 tuýp A và C). Tuy nhiên, trẻ em sau 2 tuổi mới được phép tiêm văcxin này vì văcxin không có tác dụng sinh kháng thể đối với trẻ dưới 2 tuổi.